Với bản thân, bạn phải tự vượt qua mọi cái dễ dãi, thông lệ nếu muốn khẳng định mình. Hàng năm nước ta có hàng nghìn kiến trúc sư tốt nghiệp các trường đại học. Có được một vị trí, tiếng nói chuyên môn trong giới là điều không dễ. Nhà thơ, họa sĩ có thể xuất thần sáng tác bài thơ hay, bức tranh đẹp. Kiến trúc sư nếu có phút giây thăng hoa đó, chỉ mới là phác thảo. Từ đây đến khi tác phẩm kiến trúc hoàn thành phải đo bằng năm tháng. Vất vả, dẻo dai và kiên trì lẵm mới đến đích. Đó là thách thức lớn thứ hai.
Đối với xã hội, ngoài trách nhiệm công dân, bạn phải là người hướng dẫn thẩm mỹ kiến trúc chứ không được làm người xu thời. Chỉ cần chiều theo ông chủ, nhà đầu tư hay thị hiếu trưởng giả của một lớp người nào đó, bạn sẽ mau chóng có công việc, mau chóng có tiền, nhưng cũng tự đánh mất mình luôn. Cái ranh giới này mỏng manh và dễ ngụy biện lắm. Đây là thách thức nghề nghiệp lớn nhất của kiến trúc sư.
Tác phẩm kiến trúc tổng hòa nhiều mối quan hệ, từ kinh tế đến nhu cầu xã hội, từ kỹ thuật đến nghệ thuật và thường được bày ra trước công chúng. Công trình xấu đẹp thế nào mọi người đều biết cả. Bạn phải có bản lĩnh và trách nhiệm của một kiến trúc sư chân chính để luôn hãnh diện với kiến trúc của mình, để người sử dụng hài lòng với không gian kiến trúc và không làm phí tiền xây đựng của nhà đầu tư. Đó có lẽ là ràng buộc lớn nhất của kiến trúc sư.
Những lý do để bạn chọn nghề kiến trúc sư
- Xã hội càng phát triển thì nhu cầu kiến trúc càng lớn và đa dạng, cơ hội để kiến trúc sư có việc làm càng nhiều.
- Nghề kiến trúc sư dễ bộc lộ năng lực cá nhân, giúp bạn sớm khẳng định mình. Có nhiều sinh viên đã đạt được giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Các bạn hoàn toàn có thể làm được điều ấy nếu mạnh dạn, nỗ lực và tự tin.
- Kiến trúc dung hợp nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và nghệ thuật. Đó là môi trường thuận lợi để mở rộng kiến thức, cũng là nghề có nhiều rung động tình cảm, đi được vào tận cùng của bản năng sáng tạo.
- Kiến trúc cho bạn khả năng tổ chức môi trường sống của bạn, của gia đình bạn với chất lượng cao: tiện dụng, hợp lý và đẹp.
Một số tố chất cần thiết trong nghề kiến trúc sư
- Năng khiếu là điều kiện đầu tiên cần có. Muốn vào học tại trường kiến trúc, bạn phải trải qua môn thi năng khiếu là môn vẽ. Trước đây chỉ thi vẽ tĩnh vật, bây giờ thêm thi năng khiếu tổ hợp thẩm mỹ. Năng khiếu mỹ thuật của sinh viên kiến trúc không yêu cầu cao như sinh viên mỹ thuật hay mỹ thuật công nghiệp và cũng rất khác hai ngành đó. Năng lực tư duy thẩm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp quan trọng hơn là năng lực vẽ. Tuy vậy, nếu bạn không biết vẽ thì sẽ rất khó học kiến trúc bởi vẽ là phương tiện chủ yếu để thể hiện tác phẩm kiến trúc.
- Có năng khiếu vẽ và học lực khá trở lên với các môn tự nhiên là bạn có thể học kiến trúc. Đây là một ngành được ưa chuộng, được nhiều bạn trẻ chọn học và cũng có một chút “hãnh diện” với chúng bạn đấy. Nhưng chỉ có lòng say mê nghề mới đưa bạn đến với đỉnh cao kiến trúc.
- Bạn có khả năng tự đọc và tự học. Kiến trúc là một nghề mà bạn không thể chỉ học ở trường. Có không ít câu chuyện về những kiến trúc sư tài ba như Frank Lloyd Wright, Tadao Ando... chưa từng tới trường kiến trúc, dù chỉ một giờ. Thành công của họ chính là kết quả của sự nỗ lực vươn lên và tự học hỏi tuyệt vời.
- Giới tính cũng là một điểm đáng lưu ý khi bạn chọn nghề kiến trúc. Trên thế giới, rất ít kiến trúc sư nữ nổi tiếng so với kiến trúc sư nam. Trong các trường kiến trúc, sinh viên nữ ít hơn rất nhiều so với sinh viên nam. Những đòi hỏi về năng khiếu vẽ, năng lực tư duy trừu tượng và đặc biệt là phải thức đêm nhiều khiến ít bạn gái học kiến trúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét